Cáo chung của điều thần kỳ Việt Nam [Bài Dịch]

Foreign Policy

Sự cáo chung của Điều Thần kỳ Việt Nam

Quá nhiều vấn đề đối với câu chuyện thành công tiếp theo của châu Á

 

GEOFFREY CAIN | 11 THÁNG 7, 2012

 

TP. HCM – Trong chập choạng hào quang của nơi từng được coi là một trong những thị trường mới nổi sôi động nhất của châu Á, Nguyễn Văn Nguyễn giờ chỉ thấy phía trước là những đám mây u ám. Kể từ năm 2008, công việc kinh doanh của Nguyễn tại thủ phủ kinh tế miền Nam Việt Nam đã trải qua hai đợt biến động của lạm phát, cao nhất vào tháng 8 năm 2011 ở mức 23% – tại thời điểm đó là tỷ lệ lạm phát cao nhất châu Á. Giờ đây Nguyễn chỉ dám nhận những đơn hàng nhỏ từ nước ngoài cho nhà máy sản xuất mành trúc vốn từng phát triển mạnh trước đây của ông mang tên Bình Minh ở TP. Hồ Chí Minh để cầm cự trước các biến động giá cả. Ông cho biết khách hàng ở Úc, châu Âu, và Hoa Kỳ đã giảm đơn hàng từ khi cầu thế giới suy yếu. Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Ngành gỗ TP. Hồ Chí Minh cho biết chi phí sản xuất toàn ngành đã tăng khoảng 30% trong khi khách hàng chỉ sẵn sàng trả thêm khoảng 10%. Mùa khô năm nay ông Nguyễn thuê ít công nhân hơn và đã cắt giảm mức lương của họ xuống khoảng 120 đô la Mỹ một tháng từ mức 200 đô la Mỹ. Ông than thở với chúng tôi vào cuối tháng Sáu: “Chúng tôi chỉ có thể hoạt động cầm chừng, và mọi việc hiện nay đều khó khăn”.

Đảng Cộng sản Việt Nam hẳn sẽ đẹp lòng hơn nếu các nhà đầu tư xem trường hợp như của Nguyễn chỉ đơn giản là hiệu ứng địa phương mang tính hãn hữu của suy thoái kinh tế toàn cầu chứ không phải là một sự suy yếu mang tính hệ thống. Trong hai thập kỷ kể từ khi Đảng Cộng sản thiết lập các cải cách kinh tế vào năm 1986, tăng trưởng GDP trung bình đạt con số đáng nể 7,1% hàng năm. Quả thật, cách đây bốn năm, Việt Nam có vẻ là câu chuyện thành công tiếp theo của châu Á. Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, các nhà lãnh đạo quốc gia cam kết sẽ làm tốt hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu và tư nhân hóa rộng rãi các doanh nghiệp nhà nước (SOE) kém hiệu quả, một quá trình được gọi bằng uyển ngữ là “cổ phần hóa.” Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo trong năm 2007 lạm phát có thể được “nhập khẩu” vào Việt Nam thông qua con đường nhập khẩu hàng hóa gia tăng do ảnh hưởng của việc gia nhập WTO, và các cuộc cải cách cơ cấu có thể tạo một sân chơi bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, nhân chuyến thăm của Hillary Clinton đến thủ đô Hà Nội hồi đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải tiếp tục hứa hẹn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm cố gắng cứu vãn “Điều Thần kỳ Việt Nam”.

Trong một thập kỷ qua, chi phí lao động ở Trung Quốc gia tăng đồng nghĩa với việc thời mà Trung Quốc là công xưởng của thế giới đã điểm. Một Việt Nam ổn định với lực lượng lao động trẻ giá rẻ, cơ sở hạ tầng thuận lợi có vẻ như là sự lựa chọn hợp lý tiếp theo của các nhà đầu tư. Đầu tư nước ngoài đổ vào  suốt khoảng giữa thập kỷ 2000, vốn ròng vào Việt Nam tăng hơn gấp ba lần lên đến 9,6 tỷ đô la Mỹ trong năm 2008 so với hai năm trước đó. Goldman Sachs đã đánh giá: Việt Nam là “con hổ châu Á tiếp theo đang xuất hiện”. Ông Edmund Malesky, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học California tại San Diego  chuyên nghiên cứu về Việt Nam còn cho biết: “Các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm đến vấn đề quản trị hoặc chính sách. Họ chỉ quan tâm đến chi phí lao động thấp.”

Bỏ qua vấn đề chính trị giờ đây có vẻ là một thiếu sót phải trả giá đắt. Rất ít nhà kinh doanh dự đoán Việt Nam vào năm 2012: một quốc gia với đồng nội tệ yếu, lạm phát, quan liêu, và chủ nghĩa cánh hẩu dẫn đến hoang phí hàng tỷ đô la cùng một chính phủ quen đưa ra những quyết định kiểu như xây dựng những hải cảng ở những nơi khó hiểu hoặc làm những con đường vốn ít đem lại giá trị kinh tế.

Mọi việc trở nên xấu hơn khi Việt Nam bơm ra khoản tín dụng trị giá 100 tỷ đô la Mỹ từ 2007 đến 2010. Thay vì hướng đến doanh nghiệp tư nhân, chính phủ chuyển các khoản hỗ trợ này cho các doanh nghiệp nhà nước có các mối liên hệ về chính trị và những doanh nghiệp này đã dùng các khoản tiền này hăng hái đầu tư vào các lĩnh vực ngoài lĩnh vực kinh doanh chính khiến cho cầu về các nguồn lực gia tăng và gây áp lực lên lạm phát. Với lượng tiền mặt lớn, các doanh nghiệp nhà nước có thể đánh bật các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp đóng tàu khổng lồ của nhà nước là Vinashin sử dụng khoảng 60.000 công nhân và giám sát 28 nhà máy đóng tàu, phân tán đầu tư ra gần 300 đơn vị, bao gồm cả sản xuất xe máy và kinh doanh khách sạn sau khi có thêm 1 tỷ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư quốc tế trong năm 2007. Các quan chức hy vọng Vinashin sẽ thúc đẩy tăng trưởng giống như các tập đoàn bán công của Hàn Quốc.

Nhưng năm 2010, Vinashin bị phát hiện làm sai lệch các báo cáo tài chính và gần sụp đổ với khoản nợ cả trong và ngoài nước trị giá 4,4 tỷ đô la Mỹ, một con số tương đương với 5% của GDP. Cuối cùng Vinashin vỡ nợ với khoản vay trị giá 400 triệu đô la Mỹ của Ngân hàng Credit Suisse. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người ủng hộ Vinashin trong nỗ lực thành tập đoàn kinh tế con cưng của nền kinh tế nhà nước chỉ huy, đã buộc phải xin lỗi trước Quốc hội trong phiên họp chất vấn đau đớn. Các đối thủ của ông Dũng tìm mọi cách bảo vệ lãnh địa kinh doanh và địa vị chính trị cuối cùng cũng đã tìm thấy con dê tế thần: Nhà chức trách kết án 8 cán bộ điều hành của tập đoàn này vào cuối tháng Ba. Nhưng thay vì tăng tốc quá trình tư nhân hóa khởi xướng từ những năm 1990 vốn đã có quá nhiều hứa hẹn mà tiến độ thì chậm chạp, chính quyền lại tìm cách giảm nhẹ mức độ trầm trọng của vấn đề.

Chính phủ đã phải kiểm soát các thiệt hại, từ chối trả khoản vay Ngân hàng Credit Suisse trị giá 400 triệu đô la Mỹ  trong khi các tập đoàn không trả nợ các chủ nợ châu Âu. Hê quả  là Moody hạ mức đánh giá tín dụng của Việt Nam một bậc xuống còn B1 từ Ba3, có nghĩa ở mức “rủi ro tín dụng cao” trong xếp hạng rủi ro đầu tư.

Những thất bại tương tự như Vinashin đang diễn ra, nhưng theo một số biên tập viên báo chí nhà nước được phỏng vấn năm 2011 cho biết hệ thống lại quả bí mật đã bao che cho các doanh nghiệp nhà nước che dấu sổ sách kế toán trong nhiều năm qua. Trong tháng Năm năm 2012, một cuộc điều tra của chính phủ đang tiếp diễn cho thấy công ty vận tải biển nhà nước Vinalines đã không thể trả nợ năm khoản vay trị giá 1,1 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng số nợ tích lũy lên 2,1 tỷ đô la Mỹ, nhiều hơn gấp bốn lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Kể từ tháng Hai, bốn cán bộ điều hành đã bị bắt giữ vì sai phạm trong quản lý tài sản nhà nước trong khi chính quyền còn đang tiếp tục truy lùng vị cựu chủ tịch tập đoàn đang bỏ trốn.

Nhà đầu tư nước ngoài đang đối mặt với chi phí lao động và nguyên vật liệu cao hơn bắt đầu lo ngại Việt Nam đang mất dần lợi thế cạnh tranh giá thấp. Bốn nhà đầu tư nước ngoài đã than phiền trong các cuộc phỏng vấn trong vòng 2 năm qua là doanh nghiệp nhà nước đã lạm dụng vai trò người gác cổng ngành trong quan hệ với chính phủ. Một luật sư kinh doanh người Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh đã nói: “Bọn họ rất phiền toái,” và “Không một ai muốn làm ăn với họ.”

Trong khi các quan chức Việt Nam đang trấn an các nhà đầu tư rằng điều tồi tệ nhất đã qua rồi thì cơ quan kiểm toán chính phủ công bố đầu tháng Bảy cho thấy ít nhất ba mươi doanh nghiệp nhà nước lớn khác mang gánh nặng nợ nần đáng lo ngại. Vấn đề trầm trọng hơn là ở Việt Nam, không giống như ở Trung Quốc, các tầng lớp ưu tú của Đảng Cộng sản hoang tưởng khả năng chia sẻ bổng lộc với các doanh nhân tư nhân, và đặc biệt là doanh nhân nước ngoài. Ở Trung Quốc, Đảng cộng sản duy trì thị trường cạnh tranh bằng cách đưa doanh nhân tư nhân vào “cạ”, cải thiện vấn đề quản trị, tư nhân hóa khoảng 90.000 doanh nghiệp với trị giá hơn 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ trong thời gian giữa năm 1998 và 2005, và gần đây hơn là thanh trừng các bè nhóm Mao-ít mới như trường hợp cựu Đảng Bí thư tỉnh Trùng Khánh Bạc Hi Lai. Các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn chưa tìm ra cách thức cầm cương nền kinh tế mà không cần phải từ bỏ một số hình thức kiểm soát chính trị – một bước đi không mong muốn.

Thay vì dọn dẹp mạng lưới giữa các doanh nghiệp nhà nước và các chính trị gia bảo trợ, những người chơi chủ chốt trên chính trường đã mở các chiến dịch chống lại thế hệ doanh nhân giàu có mới đang kiêm nhiệm đại biểu quốc hội. Vào cuối tháng Năm, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu với tỷ lệ 96% bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến là một trong vài đại biểu Quốc hội ngoài Đảng với các cáo buộc khai man sơ yếu lý lịch.

Tội thực sự của bà Yến là đã nhiều lần kêu gọi đối xử công bằng đối với doanh nghiệp tư nhân hiện chiếm đến gần một nửa quy mô nền kinh tế. Ông David Brown, một nhà cựu ngoại giao Hoa kỳ tại Hà Nội nhận xét: “Chính quyền bây giờ không thể dọn dẹp sạch sẽ lại hệ thống này”

Chính phủ thắt chặt tín dụng trong tháng Sáu đã giảm lạm phát từ 23% vào tháng Tám năm ngoái xuống còn 6,9%. Vấn đề bây giờ theo các chủ cơ sở sản xuất nhỏ như Nguyễn là cơn lũ tín dụng buông lỏng đã làm tăng nguy cơ của một cuộc khủng hoảng ngân hàng. Sau khi hai doanh nghiệp nhà nước sụp đổ tan tành, chính phủ thừa nhận tồn tại lỗi hệ thống của hệ thống tài chính. Người đứng đầu ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết vào đầu tháng Sáu khoảng 10% các khoản nợ tại ngân hàng Việt Nam là nợ xấu. Thay vì cải cách nền kinh tế, chính phủ đang đề xuất những kế hoạch không mới: Một kế hoạch  lập cơ quan quản lý tài sản quốc gia với 4,8 tỷ đô la Mỹ để giải quyết các khoản nợ. Điều này không khác gì thiết lập thêm một bộ máy quan liêu nằm bên trong các mạng lưới bảo trợ bao gồm tầng lớp ưu tú của Đảng, các ngân hàng, và các công ty.

Các nhà đầu tư đã phàn nàn về tình trạng quan liêu  hoành hành, và rất nhiều người trong số họ đang tính khả năng chuyển đến Indonesia, Bangladesh, Myanmar, ông Denny Cowger, một luật sư về doanh nghiệp tại công ty luật Duane Morris của Hoa Kỳ có văn phòng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho biết. Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu năm 2011 và 2012 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Việt Nam đã giảm 6 điểm xuống còn 65 điểm do vướng các quy định rườm rà, lạm phát, thâm hụt ngân sách, và cơ sở hạ tầng quá tải (Bên cạnh việc báo cáo này khen ngợi Việt Nam có thị trường lao động tương đối hiệu quả và có “tiềm năng đổi mới”).

Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước tiếp tục “gặm” đến 40% của GDP. Giáo sư danh dự Carl Thayer tại Đại học New South Wales cho rằng: “Điểm mấu chốt là Việt Nam phải thực hiện một số cải cách kinh tế cơ bản để duy trì khả năng cạnh tranh” và “Có nhiều khả năng cho thấy các nhà lãnh đạo của Việt Nam sẽ sử dụng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như một lời bào chữa vạn năng rồi đâu lại vào đấy.”

Quang Thành dịch

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink.

Leave a comment