1. Bút chì, phụ nữ mặc váy và Murakami

Người lớn tầm tuổi tôi từ lâu ít dùng bút, các kiểu. Tần suất sử dụng bút ngày càng ít, bởi làm việc trên máy tính, trình bày ý tưởng bằng máy chiếu, thi thoảng lắm mới dùng bút để quẹt ra vài ý tưởng trên tờ giấy. Rồi vì lâu dùng bút, cho nên cái tờ giấy cũng trở nên bất tiện. Có thể quẹt ra một trang a4 với khá thưa dòng chữ rồi sau đó cảm thấy bất tiện vì gạch xóa và rối mạch tư duy, thế là vào máy tính để đánh đoạn văn ấy và có thể thoải mái chỉnh sửa câu văn theo ý mình.

Bút, những người như tầm tuổi tôi, có chăng dùng thêm vào việc ký. Ký tên dù ít nhưng cũng nên có và cài trên túi áo. Khi ấy, cây bút như mà một thứ trang sức nhỏ, như đồng hồ, vòng đeo tay, hoặc thời trang lịch sự như cái cà vạt…

Trở lại với bút, dường như là trở lại với những gì từng gắn bó. Giống như một dĩ vãng, một kỷ vậy hay một người tình cũ nào đó. Bạn không thể gọi là sống bình thường nếu hàng ngày bị những thứ ấy ám suốt ngày, nhưng bạn có để tận hưởng cuộc sống ở một mức độ sang trọng bằng cách có những điều đó lác đác trong ngày (thật mà nói nên trong tuần, trong tháng thì hay hơn). Từ hồi nhỏ, chúng ta làm quen với bút thông qua cây bút chì, vì thế có lẽ bút chì là cái gì đó có thể ví như người tình cũ chăng? Khi ta hoài cổ một chút.

Sáng nay đứng ở của hàng sách kiếm cuốn sách vừa ý, tôi nảy ra ý mình mua thêm vài cây bút nhiều màu để đọc cuốn sách hay và quẹt lên nó những suy nghĩ, tán thưởng hay những sự thích thú mang tính riêng tư của mình. Có thể ngồi trên bãi cỏ, dựa vào gốc cây và lần giở từng trang sách, và rồi hí hoáy quẹt xanh đỏ tím vàng màu chữ lên đó.

Từ lâu tôi có ý định xé nát các trang sách bằng những bình luận của riêng mình. Rất có lợi cho tôi nếu sau đó cần viết một bài nho nhỏ với những ý tưởng và phát hiện tại những thời điểm khó có thể lặp lại khi đọc một cuốn sách. Tôi gọi đó là “sự hành hạ mang tính chất trí tuệ có màu sắc đa dạng của trẻ con rất đáng bắt chước”.

Thú thật trước quầy văn phòng phẩm, tôi mới đầu chọn các cây bút mực nhiều màu. Tôi quen dùng bút loại này khi đọc tài liệu làm việc. Tôi chọn một cây bút lân tinh tô màu để đánh dấu và một cây bút mực màu đen. Thấy có vẻ gì đó không ổn, tôi tha thẩn thêm dãy hàng và phát hiện những cây bút chì đen. Tôi hỏi cô gái bán hàng xem có bút chì màu không. Một cô gái mặc áo dài màu đỏ nhạt, quần trắng, có nét trẻ con với đôi môi lơ tơ lông. Cô gái bắc ghế cầm xuống cho tôi hộp bút chì màu. Có 12 chiếc trong một hộp, sáu màu. Như vậy hai chiếc một màu. Quả là một hộp bút chì tuyệt vời, đúng cái tôi cần. Có vẻ như thời điểm ấy, ký ức về  dĩ  vãng của tôi thức giấc rất đúng lúc để như nói với tôi rằng đây là sự lựa chọn đáng giá nhất.

Hồi xưa, dùng bút chì thường dùng dao nhỏ, hoặc dao lam. Sang hơn thì có cây chuốt bút chì. Khổ cái là cây chuốt bút chì không tốt sẽ làm bút chì gãy đầu hay bể đầu nhọn. Có thể có lý do khác là tùy độ mềm của từng loại bút chì. Tôi hỏi cô gái bán hàng xem có chuốt bút chì không và tôi muốn lấy loại tốt khi cô gái nói có hai loại.

– Loại tốt không làm bể đầu bút, – cô gái bán hàng nói, cái miệng lông tơ của cô ta hơi chum lại khi nói chữ bút khiến tôi có sự liên tưởng đến lúc nào đó cô gái này hôn một ai đó, những sợi lông tơ li ti chắc hẳn sẽ chụm lại như thể những gốc cỏ mềm mại có hương.

Tôi nhận cái chuốt bút chì từ tay cô gái. Nó hơi nặng hơn so với suy nghĩ của tôi. Mà phàm hàng nặng thì là hàng thật. Tôi cầm nâng lên nâng xuống và nhìn cô gái bán hàng có đôi môi trẻ con, nghĩ đến cảm giác hôn lên đôi môi ấy của một người đàn ông, cô gái hình như thấy có chút gì đó là lạ nên thoáng ngại ngùng và quay mặt đi.

Tôi không hứng thú với việc theo đuổi một người phụ nữ quay mặt đi, nhất là phụ nữ mặc áo dài, cơ thể như trẻ con, eo lưng gầy như cô gái này, và bước ra tính tiền lấy mấy thứ đồ cần mua.

Tôi đi bộ ra phố và đến một cửa hàng sách khác. Vẫn chưa mua được một cuốn sách ưng ý cho dịp đọc cuối tuần làm tôi khó chịu trong cảm giác. Cửa hàng sách sau to hơn, ngay trung tâm. Là FAHASA trên Nguyễn Huệ. Ở bãi giữ xe tôi thắng kít ngay sau một phụ nữ đi xe tay ga. Cái dáng xuống xe của cô ta mặc váy làm tôi liên tưởng đến các nữ kỵ sĩ thời xưa nhảy xuống ngựa và tung roi mây cho người hầu là mấy anh chàng giữ xe trong bãi. Một cậu giữ xe mau mắn dắt xe vào hàng. Mấy cậu này mặc áo thu có hàng chữ ROMA, áo màu bã trầu. Chắc là trang phục nhái của đội bóng đá Ý AS ROMA có chàng cầu thủ Totti bảnh trai bao phu nữ mê mệt. Tự dưng tôi thấy buồn cười với ý nghĩ các chàng trai này như thể là hậu duệ của Totti đang lăng xăng thay vì đá bóng thì dắt xe chạy lằng ngoằng trong khu nhà để xe này. Dù sao nhìn dưới trang phục này, mấy cậu trai nhìn thân thiện hơn, chứ mấy lần trước tôi thấy rất cộc cằn.

Đảo người mấy vòng như lạng xe, tôi đứng trước dãy sách văn học nước ngoài. Định bụng kiếm cuốn “Săn lùng cừu hoang” của Murakami mới ra, hôm nọ cà phê với em Nhung nghe giới thiệu. Một loạt các sách của Murakami trên kệ nhưng lướt qua tôi không thấy cuốn cần tìm. Cũng phải nói thật là tôi vừa lướt qua mà cũng vừa chầm chậm vì đứng trước hoa mắt các sách của Murakami tôi bỗng có cảm giác như đứng trước một kho báu. Trước kho báu, cảm giác của bạn rất lộn xộn. Một mặt, bạn muốn mình thật bao quát, bao trùm để như thể ôm trọn vẹn kho báu, xem tầm mức của nó. Mặt khác, bạn lại cực kỳ muốn cụ thể, muốn sờ, chạm, đọc từng xăng ti mét nhỏ để có thể cảm nhận, kiểm chứng đó là kho báo. Phân biệt vàng với ngọc trai, với kim cương, với đá quý rõ ràng.

Nhưng rõ ràng không có cuốn sách ấy. Tôi bỗng nghi ngờ em Nhung có thông tin sai, hoặc là nhà xuất bản khác nó in nhưng không phân phối ở đây. Tôi liếc qua thấy Rừng Na Uy là quen còn lại vài cuốn đều mới chưa đọc. Đó là Ngầm, Bạn làm gì khi đi bộ, và Chốn tận cùng thế giới.

Đang mải xem các cuốn sách mới này, tôi chợt nhận ra mùi hương thoang thoảng dễ chịu và một đôi chân dài gần mình. Ngó qua, tôi thấy một cô gái mặc váy áo liền dạng công sở màu lông chuột. Cô gái đeo kính cận và có hai gò má đỏ như hai quả cà chua. Có lẽ do trang điểm nhưng gò má rõ ràng là rất phính. Tôi khẽ lùi người nhường chỗ và cô gái đi ngang qua. Không khí mát mẻ của nhà sách như dịu thêm với mùi hương từ cô gái. Tôi liếc hai chân trần của cô gái, bắp chân không quá to, thon rất hợp với cái eo trên.

Phải nói rằng phụ nữ mặc váy là một trào lưu tuyệt vời tại các đô thị và công sở. Có bao giờ bạn ngắm 1 người mặc váy và cũng người đó mặc bình thường để tìm ra câu trả lời vì sao khi mặc váy, phụ nữ dường như thuộc về một thế giới cao hơn thế giới của quần và áo. Rõ ràng cái đẹp và sự quyến rũ được nâng lên và nó là câu trả lời gần như chính xác. Khi phụ nữ mặc váy, bạn có thể quan sát được những bộ phận của cơ thể một cách khá rõ ràng và trong sự so sánh đối lập. Bạn sẽ thấy được đôi chân trần, đôi cánh tay trần trong sự đối lập với phần còn lại của cơ thể kín mít. Sự đối lập là căn bản của cái đẹp.

Tôi đã quá lan man từ chuyện bút chì, định sang chuyện về cuốn sách tìm mua thì lại bị ngắt quãng bởi cô gái mặc váy trong nhà sách. Tiếng giầy của cô gái gõ nhẹ, và khi di chuyển cô gái chỉ hơi điều chỉnh hướng nhìn của mình là lập tức eo hông của cô đánh nhẹ nhàng như quả lắc của chiếc đồng hồ già đang gõ những nhịp thật chậm. Khoảnh khắc đó tôi thấy cô gái mặc váy như thể là một bông hoa đang ngước mắt lên nhìn bầu trời xanh mà không hề để ý gì đến đất dưới chân mình.

Tôi tập trung vào việc tìm sách của mình khi cô gái khuất sau hàng sách sang hàng khác. Mơ hồ tôi thoáng thấy như sự tinh khiết của không khí sáng nay đã được che lấp bởi một sự tinh khiết khác mà cô gái vừa mang lại. Rất nhiều lần trong đời bạn đang đứng ở đâu đó và bất chợt có người con gái nào đó đi qua, bạn thấy được mùi hương  dịu dàng trong gió thoảng. Mùi hương ấy rất tinh khiết theo nghĩa bạn hầu như không thể nào có lần thứ hai trong đời, và rất nhanh, rất nhanh, bạn như tỉnh trong trạng thái mơ màng trong chốc lát. Vì sao những người phụ nữ tạo ra những khoảnh hương tuyệt vời như vậy trong khi nếu tôi cố gắng hỏi một phụ nữ nào đó về cảm nhận hương về đàn ông, có lẽ tôi không thể có sự so sánh thỏa đáng. Sự đối lập giữa hai kết quả từ hai giới ở đây lại không tạo ra hai vẻ đẹp cho hai giới mà chỉ tôn cho phụ nữ mà thôi. Ít nhất là, suy nghĩ của tôi về sự đối lập cũng đúng một nửa trong trường hợp này.

Murakami có phải là thầy thuốc gây mê không? Nếu tôi làm cuộc điều tra nho nhỏ hỏi 100 người nào đó với các lựa chọn a b c d trắc nghiệm. Có bốn câu trả lời như sau:

a. Murakami là một nhà văn thực thụ

b. Murakami là một bác sĩ gây mê

c. Murakami là một tên trộm nổi tiếng

d. Murakami là tên một dòng sông

Chắc chắn trong 100 người có người sẽ chọn b, Murakami là một bác sĩ gây mê mặc dù ông là một nhà văn tài năng. Điều đó chứng tỏ gì? Nếu tôi loại trừ đi sự thiếu thông tin (hay là dư thông tin) để nói rằng ở mức độ nào đó Murakami là một bác sĩ gây mê, có lẽ tôi cũng có lý của mình. Nói đến đây, tôi bỗng nghi ngờ lý thuyết kiểm tra đúng sai, mà lại thấy sự vô cùng của lý thuyết xác suất. Xác suất để có câu hỏi đúng là 1/4 không cho ta biết rằng câu trả lời nào là đúng mà ta phải kết hợp với thông tin có sẵn mới biết được. Thông tin có sẵn đây là đích thị Murakami là một nhà văn. Giả sử chúng ta không biết thông tin có sẵn, vậy thì tôi chọn câu b hay bất cứ một câu nào trong bốn câu thì “câu trả lời đúng” của tôi có ý nghĩa gì? Và mức độ nào là “đúng”?

Nói như vậy để tôi nói rằng nếu không biết câu trả lời đúng, ai đó chọn b thi tôi vẫn tin rằng phần trăm nào đó họ có lý: Murakami là một bác sĩ gây mê.

Kinh nghiệm đọc sách của tôi với ông này quả chứng minh rằng ông này có khả năng làm một bác sĩ gây mê. Nhiều bạn tôi nói đọc ông nào hoặc là bị mê hoặc và say mê câu chuyện, hoặc là bị dắt vào rừng rậm bùng nhùng không lối ra, hoặc là như buồn ngủ dễ chịu muốn thiếp ngay đi với cuốn sách trong tay…

Như thế rõ ràng là một bác sĩ gây mê rồi, ông Murakami ạ. Ông dẫn dắt chúng tôi như thể cầm một cây bút chì vạch một đường về dĩ vãng và theo đó chúng ta đi qua một khung cửa hẹp có mùi hương thơm CỦA một phụ nữ mặc váy đứng chờ…

Quang Thành

Leave a comment