4. Những trống rỗng mang tên Cừu Hoang

Những tư tưởng định hướng cuộc sống con người không thể chân không vì nó hoàn toàn xa lạ với con người. Nhưng quả là tàn bạo vô cùng nếu những tư tưởng ấy là lai căng, “sinh sản vô tính”, mang đậm chất siêu linh. Khi đó, thể xác và tâm hồn con người bị xé lẻ ra, tạo ra những khoảng trống phi nhân bản ở cuối một con đường hẹp, mà muốn lách qua để hít thở bầu không khí trong lành và tự do, con người phải chiến đấu hết sức mình. Gấp cuốn sách Cuộc Săn Cừu Hoang của Haruki Murakami lại, vẫn như thấy trong tim thổn thức một khát khao sống nhân bản.  

Một lãnh tụ của thế giới chính trị ngầm ở Nhật bản đang trong tình trạng hôn mê kéo dài và người ta của ông ta tin rằng sở dĩ lãnh tụ của họ có được năng lực lãnh đạo phi thường, sức ảnh hưởng lớn lao là do Một Con Cừu Đặc Biệt đã nhập vào ông ta. Trên thực tế, Con Cừu Đặc Biệt đó đã rời bỏ vị lãnh tụ này khi tình trạng sức khỏe của ông suy sụp và đã nhập vào một thanh niên có  tên lóng là Chuột. Người ta nhanh chóng xác định được nơi cư trú của Chuột nhưng không cách nào tiếp cận được anh ta vì anh ta đã ở ẩn từ lâu. Cuối cùng, người ta lên kế hoạch sử dụng nhân vật Tôi trong truyện vốn là một người bạn thân thiết của Chuột để tiếp cận với Chuột với lý do đi tìm Cừu Hoang.

Chuột đã biết về thứ quyền lực đặc biệt mà Cừu Hoang đem đến cho người nào mà nó nhập vào. Nhưng, không muốn bị trở thành một con người khác mất đi cả tâm hồn của mình nên Chuột đã chống lại sự áp đặt quyền lực của Cừu Hoang bằng mọi cách…

Từ những cá thể mất phương hướng….

Một nhân vật trong truyện nói rằng: cuộc sống của con người chứa đựng hai phần thể xác và tâm hồn. Nỗi cô đơn khiến người ta có thể phải sống một mình, không có tình yêu nhưng quả là bi kịch khi phải sống “một nửa” – một cuộc sống không có tâm hồn. Trong cả hai trường hợp, người ta cố công đi tìm kiếm phần còn lại của cuộc đời mình, có thể ngộ nhận rằng đó là “một nửa yêu thương” hoặc mơ hồ nhận ra sự thiếu vắng của “một nửa bay bổng” trong chuỗi ngày nhàm chán. Những chàng trai bắt đầu một ngày tại các công sở, hết giờ làm ghé quán bia, làm quen với các cô gái, họ ngủ với nhau, rồi thức dậy vào buổi sáng hôm sau để đi làm… như là một chu trình khép kín mang tính định mệnh vô hình choàng lên một thế hệ thanh niên Nhật những năm 80 của thế kỷ trước.

… Đến tình trạng rỗng không về tư tưởng ở thượng tầng

Cái tính chất cộng sinh xã hội tồn tại ở bất cứ xã hội nào. Các giai tầng xã hội tồn tại cộng sinh và hơn thế cái này là biểu hiện của cái kia và ngược lại. Song hành với tình trạng mất phương hướng của  lớp trẻ là một cấu trúc thượng tầng mang tính chất giả tạo cao. Toàn bộ quyền lực chính trị – xã hội không phải thuộc về thế giới con người mà thuộc về thế giới “ngầm” – Một thế giới phi cấu trúc, phi chính thức và có sự tiến hóa phi nhân bản. Bằng cách trừu tượng hóa vấn đề thông qua giả thuyết li kỳ về việc Một Con Cừu Hoang từ tận đẩu đâu nhập hồn vào một nhân vật tầm thường và biến ông ta thành một lãnh đạo có quyền lực vô biên, đầy chất bí hiểm, Murakami gây sửng sốt cho người đọc bởi sự thật trần trụi của một huyền thoại, một tượng đài. Nhưng, điều quan trọng hơn là: những “tư tưởng” cao quý (nếu có) của hệ thống đã không thể được tiến hóa một cách bình thường trong một hệ thống tổ chức xã hội bởi chính tình trạng cộng sinh của Con Cừu Hoang và nhân vật lãnh đạo. Khi nhân vật lãnh đạo chết đi, “tư tưởng” của ông ta cũng chết theo bởi vì Con Cừu Hoang đã bỏ ra đi.

Sự phản kháng mang tính Võ Sĩ Đạo

Tồn tại dẫu như cái bung xung của hệ thống tổ chức chính trị – xã hội ấy, những con người bình thường như Chuột, hay nhân vật Tôi luôn mong ước sống một cuộc đời bình thường và có ý nghĩa. Cho dù có lẩn trốn xã hội đương đại, lui vào ẩn dật như Chuột, hay hàng ngày hàng giờ tìm câu trả lời cho cuộc sống nhàm chán như nhân vật Tôi thì trong họ vẫn còn những bản năng sống hướng về các giá trị của con người như: chống áp bức, không chịu áp đặt về tư tưởng, không chấp nhận cuộc sống “vô nhân tính”. Dẫu tự tìm đến cái chết trong hầu hết các trường hợp là sự chấm hết mang tính bế tắc và “cắt đuôi” những mâu thuẫn xã hội, nhưng lý giải của nhân vật Chuột tự sát để “sát” cái ác lại khiến người đọc không thể không bật lên vì xúc động và đồng cảm. Hình ảnh đó hệt như hình ảnh chết đẹp của một Samurai Nhật Bản.

Quang Thành

Link bài báo:

http://baodatviet.vn/Home/vanhoa/Nhung-trong-rong-mang-ten-Cuu-Hoang/20116/148324.datviet

Leave a comment